Biết là app lừa đảo nhưng vẫn cài đặt, cô gái đợi tài khoản mất 500 triệu đồng mới báo cảnh sát thì được khen nhanh trí

Cô gái biết là lừa đảo nhưng vẫn chuyển khoản hơn 500 triệu đồng và nhận bất ngờ lớn.

Biết là app lừa đảo nhưng vẫn cài đặt, cô gái đợi tài khoản mất 500 triệu đồng mới báo cảnh sát thì được khen nhanh trí- Ảnh 1.

Hai kỹ sư trẻ cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho một ứng dụng đầu tư”lừa đảo, giúp chủ mưu vận hành nền tảng lừa đảo người dùng. Một trong các nạn nhân là cô Dương ở Phổ Đà (Trung Quốc), dù sớm phát hiện ứng dụng có dấu hiệu bất thường vẫn tiếp tục sử dụng.

Vào tháng 11/2020, cô Dương quen một người tự xưng là giáo viên đầu tư qua mạng xã hội. Người này liên tục nhấn mạnh về cơ hội đầu tư sinh lời cao và giới thiệu một ứng dụng đầu tư. Dù ban đầu có chút nghi ngờ vì ứng dụng không có trên các kho ứng dụng chính thức, cô Dương vẫn cài đặt theo hướng dẫn vì muốn thử với số tiền nhỏ.

Chỉ trong 5 ngày đầu, cô nạp vào hơn 86.000 NDT và nhanh chóng lời hơn 66.000 NDT, số tiền này được chia hoa hồng 20% cho giáo viên đầu tư. Quan trọng hơn, toàn bộ khoản vốn ban đầu cũng được rút thành công. “Lúc đó tôi nghĩ, dù có hơi nghi ngờ nhưng tiền thật rút được thì chắc là an toàn”, cô Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, càng sử dụng, cô Dương càng nhận ra những điểm bất thường, ứng dụng không có giấy phép hoạt động tài chính rõ ràng, các giao dịch đều yêu cầu chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản cá nhân thay vì qua nền tảng trung gian và hệ thống rút tiền không minh bạch. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, thay vì rút lui ngay, cô quyết định đi một bước táo bạo, làm theo lời mời gọi từ giáo viên đầu tư là nạp thêm 160.000 NDT (khoảng 584 triệu đồng) để tiếp tục lấy lòng tin rồi liên hệ với cảnh sát để phối hợp điều tra.

Theo tiết lộ từ phía cơ quan chức năng, cô Dương sau đó đã bí mật báo cáo sự việc và đề nghị được hợp tác. Với vai trò "mồi nhử", cô tiếp tục giả vờ tin tưởng vào lời hứa hẹn từ “giáo viên đầu tư” và thực hiện thêm các giao dịch nạp tiền nhằm thu thập thêm bằng chứng về đường đi của dòng tiền cũng như cách thức vận hành ứng dụng.

Trong suốt quá trình đó, cô Dương liên tục ghi lại thông tin, chụp ảnh màn hình các đoạn chat, hóa đơn chuyển khoản và phản hồi bất thường từ phía ứng dụng. Cảnh sát sử dụng những dữ liệu này để truy vết hệ thống máy chủ, lần ra danh tính hai kỹ sư công nghệ cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho ứng dụng lừa đảo là Cao và Lưu. Họ nhận đơn hàng từ đối tượng vận hành, thực hiện chỉnh sửa các tính năng rồi đóng gói thành ứng dụng.

Lưu cho biết, khi sửa trang web đã phát hiện dấu hiệu bất thường như việc toàn bộ tiền nạp được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, chức năng rút tiền không rõ ràng, và người vận hành có quyền chỉnh sửa số dư tài khoản người dùng. Lưu đã báo cho Cao, nhưng cả hai vẫn tiếp tục làm vì nghĩ chỉ là người làm kỹ thuật, không liên quan đến hành vi lừa đảo.

Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định, phần mềm hai người phát triển là công cụ hỗ trợ lừa đảo, có chức năng thao túng số dư và chặn rút tiền. Ngoài ra, bằng chứng từ tin nhắn QQ, WeChat cho thấy cả hai từng nhận nhiều đơn tương tự từ các trang cờ bạc, lừa đảo. Do đó, kỹ thuật viên có trung lập hay không phải dựa trên mục đích sử dụng. Khi người làm kỹ thuật biết rõ sản phẩm mình tạo ra sẽ bị dùng để phạm tội mà vẫn cung cấp, thì không thể coi là vô can.

Cùng với đó, cảnh sát lại khen cô Dương nhanh trí, chính sự hợp tác kịp thời và dũng cảm của cô Dương đã giúp cảnh sát nhanh chóng phá án, bắt giữ cả một đường dây vận hành nền tảng lừa đảo có tổ chức. Việc cô tiếp tục sử dụng app dù biết có nguy cơ mất tiền vì chấp nhận rủi ro để đưa kẻ gian ra ánh sáng.

Theo cảnh sát Phổ Đà (Trung Quốc), sau khi tóm gọn ổ lừa đảo, cảnh sát đã tìm những nạn nhân bị lừa và nhanh chóng hoàn trả tiền cho các nạn nhân, bao gồm cả cô Dương.

Thực tế, dù biết rõ ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người vẫn lao vào với tâm lý “đã lời được rồi thì sẽ rút ra kịp”. Sự chủ quan, cộng với kỳ vọng làm giàu nhanh chóng, khiến họ trở thành con mồi dễ dàng cho các chiêu trò ngày càng tinh vi.

Từ đó, cảnh sát khuyến cáo cần cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo của sàn đầu tư chính thống. Đặc biệt, chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư, nên đến trực tiếp văn phòng của các sàn giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.

Link nội dung: https://www.congnghedoisong.net/biet-la-app-lua-dao-nhung-van-cai-dat-co-gai-doi-tai-khoan-mat-500-trieu-dong-moi-bao-canh-sat-thi-duoc-khen-nhanh-tri-a52139.html