Đạo đức AI: Bài học từ các công ty công nghệ lớn cho đến ứng dụng tại Việt Nam

Tại công ty công nghệ IBM, hơn 600 nhà cung cấp của doanh nghiệp này được đào tạo về đạo đức công nghệ và 100% nhà cung cấp của IBM được thu hút thực hiện các hoạt động về trách nhiệm xã hội và môi trường, đạo đức và lập kế hoạch rủi ro năm 2023. Điều đó cho thấy, vấn đề sử dụng AI có trách nhiệm (đạo đức AI) đang rất được quan tâm trên toàn cầu.

Ngày 15-16/5/2025, Khóa học “Đạo đức AI” do Viện ABAII phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, khoá học đã tổ chức thành công tại Hà Nội vào ngày 12-13/5, với sự tham dự của 500 học viên. Đây là khoá học về đạo đức AI đầu tiên tại Việt Nam, được thiết kế dành riêng cho cộng đồng chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên và nhà nghiên cứu. 

thumb-1747307873.jpg

Sử dụng AI có trách nhiệm - xu thế không thể đứng ngoài

Đạo đức AI hay sử dụng AI có trách nhiệm là chủ đề rất được quan tâm, đặc biệt tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)… Tại Hoa Kỳ, một số doanh nghiệp công nghệ lớn đều có cách tiếp cận và xây dựng cho doanh nghiệp những quy định, bộ đánh giá trong việc sử dụng AI có trách nhiệm.

Microsoft - Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tại Hoa Kỳ đã ra mắt hơn 30 công cụ AI có trách nhiệm, bao gồm đánh giá an toàn, bộ lọc nội dung và lá chắn nhắc nhở để phát hiện và quản lý rủi ro tấn công nội dung. Còn IBM - công ty công nghệ máy tính đa quốc gia, 100% nhân viên tham gia vào chương trình hướng dẫn ứng xử kinh doanh (BCG) hàng năm, hơn 600 nhà cung cấp được đào tạo về đạo đức công nghệ và 100% nhà cung cấp của IBM được thu hút thực hiện các hoạt động về trách nhiệm xã hội và môi trường, đạo đức và lập kế hoạch rủi ro năm 2023.

gigg3292-1747307979.jpg

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2021 đã nhấn mạnh đào tạo về đạo đức và chính sách AI là trụ cột. 

“Trong bối cảnh AI đang len lỏi vào từng quyết định y tế, tài chính, giáo dục, truyền thông, và thậm chí cả chính sách công, câu hỏi không còn là nên hay không nên dùng AI, mà là: Chúng ta sẽ dùng AI theo cách nào để không làm tổn thương chính chúng ta? Tôi tin rằng, AI không nên thay thế con người mà phải nâng tầm con người. Và đạo đức AI không phải là lựa chọn, mà là nền móng của niềm tin xã hội trong kỷ nguyên số”, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII, thành viên Hội đồng Đạo đức Tài sản số và Trí tuệ nhân tạo ABAII phát biểu khai mạc Khoá học.

Với vai trò là đơn vị tài trợ khóa học, ông Jeremy Luna - Tùy Viên báo chí Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi mọi lĩnh vực trong xã hội. Khi chúng ta khai thác sức mạnh của AI, điều quan trọng là phải bảo đảm công nghệ này được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm”. 

gigg3154-1747308002.jpg

Ông Jeremy Luna - Tuỳ Viên báo chí Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh ABAII

Hình thành hệ sinh thái sử dụng AI có trách nhiệm tại Việt Nam

Kiêm nhiệm vai trò giảng viên của khóa học, ông Đào Trung Thành cho biết, các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hiện nay đang đưa ra những định nghĩa khác nhau về sử dụng AI có trách nhiệm. Chẳng hạn với Microsoft, doanh nghiệp này định nghĩa AI có trách nhiệm là cách tiếp cận để phát triển, đánh giá và triển khai các hệ thống AI theo cách an toàn, đáng tin cậy và có trách nhiệm. Google lại xem xét tác động xã hội của sự phát triển và quy mô của các công nghệ như AI, bao gồm cả tác hại và lợi ích tiềm ẩn. Còn IBM đã xây dựng bộ nguyên tắc hướng dẫn thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI. Họ xây dựng niềm tin vào các giải pháp AI có tiềm năng trao quyền cho các tổ chức và các bên liên quan.

Tuy nhiên, điểm chung mà các doanh nghiệp đang hướng tới hiện nay đều tập trung vào việc xây dựng các công cụ để đảm bảo rằng AI hoạt động đúng với giá trị đạo đức, không gây hại, và mang lại lợi ích cho xã hội.

gigg3460-1747308075.jpg

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII chia sẻ với học viên. Ảnh: ABAII

Liên hệ với Việt Nam, bà Trần Vũ Hà Minh, Thành viên Hội đồng Giảng viên Viện ABAII, Thành viên Hội đồng Đạo đức tài sản số và Trí tuệ nhân tạo ABAII, cố vấn về Trí tuệ Nhân tạo có trách nhiệm tại FPT, Nhà sáng lập Humane-AI Asia đánh giá, sự quan tâm, xây dựng và ứng dụng AI có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế, vì vậy những khoá học về đạo đức AI là cần thiết, nhằm hướng tới xây dựng nguồn nhân lực phát triển AI có trách nhiệm cho Việt Nam.

Tham gia diễn giảng tại khoá học, ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp chế Hiệp hội Blockchain Việt Nam và ông Jeffery Recker, Giám đốc điều hành Babl AI - một trong những tổ chức hàng đầu tại Hoa Kỳ trong việc đảm bảo các hệ thống AI tuân thủ các quy định và chuẩn mực đạo đức quốc tế, đề cập đến các tiêu chuẩn Đạo đức AI của UNESCO, Nguyên tắc AI của OECD, tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), cho đến các sắc lệnh hành pháp mới nhất do Tổng thống Hoa Kỳ ban hành

gigg3674-1747308221.jpg
gigg3345-1747308204.jpg

“Trong khi AI đang được triển khai một cách rộng khắp trên toàn cầu, nhiều tổ chức và doanh nghiệp lại gặp rắc rối do thiếu sự chuẩn bị cần thiết về đạo đức và quản trị rủi ro. Thực trạng này không khác gì việc chữa cháy sau khi ngọn lửa đã bùng phát, thay vì chủ động thiết lập hệ thống phòng ngừa từ đầu", ông Jeffery Recker nhận định. 

Trên cơ sở đó, ông Jeffery Recker khuyến nghị các tổ chức cần chủ động triển khai lộ trình tuân thủ ngay từ bây giờ, gồm các bước như: tạo một danh mục AI; đánh giá rủi ro của các công cụ AI; đảm bảo có sự chấp thuận từ cấp cao nhất; thực hiện phân tích thực trạng hiện tại và các yêu cầu pháp lý, từ đó xác định lộ trình cải thiện phù hợp…

gigg3192-1747308093.jpg

gigg3358-1747308118.jpgKết thúc khóa học, học viê không chỉ được cung cấp kiến thức nền tảng mà còn có cơ hội kết nối đa ngành và liên lĩnh vực, giúp học viên đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu… trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng một cộng đồng sử dụng AI có trách nhiệm tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề quan trọng để hình thành mạng lưới chuyên gia, góp phần hỗ trợ chính sách và nâng cao năng lực phản ứng với các thách thức công nghệ trong thời gian tới.

Khánh An

Link nội dung: https://www.congnghedoisong.net/dao-duc-ai-bai-hoc-tu-cac-cong-ty-cong-nghe-lon-cho-den-ung-dung-tai-viet-nam-a50714.html